Đến năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô sẽ là không phần trăm theo cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO. Theo đó, sẽ có nhiều hãng xe nhập khẩu vào Việt Nam và cần nguồn nhân lực cho việc lắp ráp, sửa chữa, bảo dưỡng...
Nắm bắt được nhu cầu này, trong kỳ tuyển sinh nghề năm 2009, có hàng nghìn thí sinh đăng ký dự thi nghề cơ khí ô tô.
Nguyễn Anh Tuấn vừa đăng ký thi nghề cơ khí ô tô vào một trường cao đẳng nghề uy tín tại Hà Nội. Tuấn cho biết, sở dĩ đăng ký dự thi ngành này vì ô tô là loại phương tiện không thể thiếu trong xã hội. Nhu cầu sử dụng ô tô ngày càng tăng, đặc biệt là ở thành thị.
Theo Tuấn, được làm việc trong ngành cơ khí ô tô đang là lựa chọn hàng đầu của nhiều bạn trẻ yêu thích kỹ thuật. Hơn nữa, nếu có một tấm bằng về ngành cơ khí ô tô thì đó sẽ là cần câu cơm trong tương lai cho bất kỳ bạn trẻ nào muốn học nghề nghiêm túc.
Ông Dương Đức Lân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, để chế tạo một chiếc ô tô cần phải có một quy trình gồm nhiều công đoạn từ chế tạo đến lắp ráp nên cần nhiều nhân lực.
Một đại diện của hãng Honda cho biết, lao động làm việc trong ngành cơ khí ô tô có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp và có thể tiếp thu được nhiều kiến thức về khoa học kỹ thuật mới trong ngành cơ khí.
Tùy theo khả năng, các bạn trẻ có thể chọn học đại học ngành cơ khí ô tô hoặc trung cấp, cao đẳng nghề. Nếu học đại học, người học được tiếp xúc với kiến thức sâu hơn về một chiếc ô tô từ chế tạo, lắp ráp, nguyên lý hoạt động về cơ khí, hệ thống điện, hệ thống trợ lực, điều hòa...
Ông Dương Đức Lân cho biết, sự phát triển của công nghệ với nhiều máy móc hiện đại, công việc của người làm trong ngành cơ khí ô tô đã được hỗ trợ rất nhiều, không còn lấm lem như trước. Môi trường làm việc ngày càng được đảm bảo.
Với kinh nghiệm chuyên môn và các kỹ năng thu được khi làm việc, người làm trong lĩnh vực công nghệ ô tô sẽ có thu nhập cao và có cơ hội đi học tập ở nước ngoài.