Bền bỉ theo đuổi ước mơ chế tạo ôtô

09/05/2010 6:39:40 CH

Ở tuổi xế chiều, có vài trăm tỷ đồng người ta tìm cách hưởng thụ, ông vẫn lụi cụi sớm khuya với khuôn, bàn dập, sơn điện ly. Sau 30 năm mong ước lắp ráp chế tạo được ôtô mới thành hiện thực, song ông bảo đường đi còn rất nhiều gian nan.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chàng trai Bùi Ngọc Huyên xung phong đi chiến trường và được phân công lái xe trên các tuyến đường Trường Sơn. Ngồi sau vô lăng, chàng lái xe mơ một ngày nào đó có thể tự tay làm ra những chiếc ôtô Made in Vietnam. Giải ngũ, trở về công tác tại Bộ Giao thông Vận tải, ông trăn trở với ý tưởng lắp ráp chế tạo ôtô, nhưng không ít người cười cho ông là gàn dở.

Năm 1992, ông xin nghỉ hưu non ở tuổi 51 và bắt tay thành lập xí nghiệp tư doanh Xuân Kiên. Nhà máy làm đủ ngành nghề từ sản xuất máy cán thép, máy công cụ, hàng nội thất, gia công các mặt hàng inox, chế tạo thiết bị y tế. Sản phẩm có chất lượng, giá thành thấp, xí nghiệp trúng nhiều hợp đồng cung cấp thiết bị y tế cho các dự án của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á tại VN.

Ben bi theo duoi uoc mo che tao oto
Ông Huyên hướng dẫn khách hàng tham quan xưởng sản xuất. Ảnh: V.P.

Thành công, kiếm được khá nhiều tiền song ông vẫn day dứt khi chưa thực hiện được mơ ước ngày nào. Đi nước ngoài ông thấy khổ tâm khi họ nói VN muốn làm được ôtô phải mất 30-40 năm nữa. Hào hứng tìm hiểu công nghệ, thiết bị sản xuất chế tạo ôtô nhưng ông "chịu chết" vì hồi đó chỉ các tổng công ty nhà nước mới được phép làm.

Năm 2003, trong một cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp, ông tha thiết xin chuyển thư tay trong đó mô tả chi tiết dự án xây dựng nhà máy lắp ráp sản xuất ôtô. 5 hôm sau các bộ ngành được yêu cầu thẩm định dự án của ông. Ngày 24/4/2005 có quyết định cho phép thành lập nhà máy thì ngày 5/5 nhà máy đã xây xong. Trong khi chờ các bộ ngành thẩm định dự án, ông chạy khắp nơi thuê đất, Hà Nội không phê duyệt, ông lặn lội lên tận Vĩnh Phúc đặt vấn đề. Nhà máy khánh thành giai đoạn 1 hồi tháng 9 năm ngoái, nay mỗi tháng tiêu thụ vài trăm xe, và đến tháng 10 này, thương hiệu Vina Xuki góp mặt trên thị trường với 30 mẫu xe tải nhẹ, pick-up.

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm

Nhà máy Vina Xuki có tổng vốn đầu tư 320 tỷ đồng, theo đánh giá của Bộ Công nghiệp nếu làm với phương thức chìa khóa trao tay chi phí lên tới 500 tỷ đồng. Ông Huyên giảm giá thành bằng cách khuyến khích cán bộ công nhân viên tự làm những hạng mục họ có thể đảm nhiệm. 60.000 m2 nhà xưởng do công nhân tự xây dựng, những chi tiết máy móc đơn giản như gá hàn, cần trục họ cũng tự làm. Tuy vậy, những máy móc, công nghệ cần đầu tư bài bản ông không tiếc tiền. Công nghệ sơn điện ly do Nippon Nhật Bản chuyển giao với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng, hệ thống đo kiểm của Italy...

Thấm thía thành công phải dựa vào con người chưa bao giờ ông thất hứa với người lao động. Cứ 6 tháng công nhân lại được tăng lương một lần trước, từ 1,3 triệu đồng/tháng giờ họ hưởng 1,5 triệu đồng và sang năm sẽ là 1,8 triệu đồng.

Công nghiệp ôtô VN còn non trẻ, nhưng thị trường lại cạnh tranh khốc liệt với rất nhiều nhãn hiệu, doanh nghiệp chen chân. Mới đây, Vina Xuki trúng hợp đồng 50 xe bán tải cho Viettel. Để bán được xe, ông Huyên cho họ mượn 2 chiếc dùng thử hai tháng để kiểm định chất lượng.

Lắp ráp xe có động cơ euro 2, chi phí cao hơn xe dùng động cơ euro 1 vài chục triệu đồng. Làm thế nào để thuyết phục khách hàng vốn không am hiểu về kỹ thuật lợi ích của nó? Khách hàng mua xe đợt đầu sử dụng động cơ euro 1 được 2-5 tháng, ông thông báo họ mang xe đến thay động cơ mới, miễn phí 25 triệu đồng. Đợt tiếp thị đó đó ông bỏ ra hơn 500 triệu đồng, chưa kể công dịch vụ lắp đặt... song xe mới tiết kiệm nhiên liệu hơn hẳn xe cũ nên chính những khách hàng đó lại đặt mua thêm xe và giới thiệu thêm nhiều khách khác.

Có đại lý ở Tây Nguyên độc quyền tăng giá cao so với giá nhà máy xuất xưởng, ông Huyên đi khảo sát rồi cho thành lập một đại lý khác. Có đối thủ cạnh tranh, lập tức cửa hàng kia phải bán đúng giá. "Bán xe tải quan trọng nhất là phân tích bài toán kinh tế khi dùng xe cho khách hàng. Anh chở hàng gì, nhà anh đi đường nào, hiệu quả ra sao", vị giám đốc già chia sẻ.

Ở tuổi xế chiều song ông vẫn ấp ủ kế hoạch liên kết với các doanh nghiệp khác xây dựng nhà máy sản xuất động cơ. "Tôi mơ ước đến năm 2010, VN sẽ có chiếc xe 100% Made in Vietnam. Đời tôi không làm được động cơ ôtô thì đời con cháu tôi sẽ làm", ông tâm sự.

Bình luận
Ý kiến của bạn
Tiêu đề:
Thảo luận: